Việc chỉnh hình răng hàm mặt có thể thực hiện ở mọi lứa tuổi. Thời điểm để chỉnh hình tùy thuộc vào mức độ của sự sai hình xương và sự lệch lạc của răng.
Theo Hiệp hội Nha khoa Mỹ, nhìn chung, thời điểm tốt nhất để điều trị chỉnh hình răng hàm mặt là khi các răng vĩnh viễn đã mọc (10-12 tuổi). Ở lứa tuổi này, xương hàm đang phát triển, rất thuận lợi cho việc nới rộng và sắp xếp lại các răng. Trẻ nên đến bác sĩ khám vào lúc 7 tuổi. Bác sĩ sẽ đánh giá tình hình bệnh và quyết định thời điểm điều trị. Một số trường hợp cần được giải quyết sớm, không chờ đến khi rụng hết răng sữa vì lúc đó, sự lệch lạc răng sẽ trầm trọng hơn.
Việc chỉnh hình răng mặt cũng có thể thực hiện ở người lớn nếu tình trạng răng miệng của bệnh nhân còn tốt. Hiệu quả điều trị sẽ hạn chế nếu bệnh nhân đã ngoài 20 tuổi.
Sau đây là giải đáp cho một số câu hỏi về chỉnh hình răng hàm mặt:
1. Nguyên nhân nào dẫn đến sự lệch lạc của răng và sự sai hình của xương hàm?
- Di truyền: Cha hay mẹ có xương hàm nhỏ, còn răng thì quá to hoặc ngược lại, khiến các răng không thể xếp ngay ngắn trên cung hàm.
- Các thói quen xấu gây mất hài hòa giữa răng và hàm như tật mút tay, mút môi và cắn môi, đẩy lưỡi, thói quen thở bằng miệng.
- Chấn thương các răng.
- Mất răng sữa sớm: Việc chú ý giữ gìn răng sữa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp các răng vĩnh viễn mọc đúng trên cung hàm.
- Dinh dưỡng: Tình trạng dinh dưỡng kém có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương hàm.
- Một số bệnh tật gây sâu răng sớm, bệnh nha chu (làm mất răng nên các răng bị xô lệch).
2. Những dấu hiệu nào cảnh báo cần chỉnh hình răng hàm mặt sớm?
- Răng xoay hay các răng mọc chen chúc.
- Răng mọc sai chỗ, xô lệch, không ngay ngắn trên cung hàm.
- Răng sữa mọc sớm hoặc muộn.
- Có thói quen xấu như mút tay, thở miệng.
- Có khớp cắn sâu, cắn chéo, cắn hở.
- Có sai hình xương hàm và lệch lạc răng (răng nhô ra trước hoặc thụt vào trong, xương hàm nhô ra trước hoặc lùi ra sau).
- Có răng dư hoặc răng ngầm.
- Cung răng và xương hàm hẹp.
3. Tại sao cần điều trị chỉnh hình răng hàm mặt sớm?
Việc điều trị chỉnh hình răng mặt sớm sẽ:
- Giúp xương hàm phát triển hài hòa với khuôn mặt, đạt hiệu quả thẩm mỹ cao.
- Giúp hài hòa khớp cắn giữa hai xương hàm.
- Giúp răng mọc đúng vị trí.
- Hạn chế chấn thương các răng nhô ra phía trước.
- Sớm sắp xếp ngay ngắn các răng mà không cần nhổ (bằng cách nới rộng xương hàm).
- Sửa chữa và loại bỏ được những thói quen xấu như tật mút tay, đẩy lưỡi.
- Giảm bớt hoặc loại bỏ một số vấn đề ảnh hưởng đến việc nuốt và phát âm.
- Giảm được thời gian và chi phí điều trị; ít gây đau đớn và khó chịu cho bệnh nhân.
4. Có cần nhổ răng trong lúc chỉnh hình răng hàm mặt?
Không bắt buộc. Chỉ cần nhổ răng khi cần tạo chỗ trống để sắp xếp lại các răng trên cung hàm. Nhiều bệnh nhân đã có sẵn khoảng trống giữa các răng, nếu chỉnh hình sớm thì chỉ cần nới rộng xương hàm mà không phải nhổ.
5. Cần lưu ý gì khi điều trị chỉnh hình răng hàm mặt?
Bệnh nhân và người nhà phải có sự hợp tác chặt chẽ với bác sĩ điều trị; cụ thể là:
- Nghiêm túc mang các khí cụ tháo lắp đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Chấp nhận sự khó chịu khi mang các khí cụ chỉnh hình (nhất là loại tháo lắp). Chúng có thể làm bệnh nhân khó phát âm và bị đau trong 1-2 tuần lễ đầu.
- Luôn tái khám đúng hẹn để theo dõi và điều chỉnh khí cụ.
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng (đặc biệt là khi điều trị bằng các khí cụ cố định) để phòng sâu răng, viêm lợi và hôi miệng.
- Tuân thủ các quy định của bác sĩ chỉnh hình răng hàm mặt như không được ăn thức ăn cứng (đá lạnh, kẹo, hạt đậu, bánh mì cứng) hoặc dính; không được cắn bút. Nếu không, các móc cài của khí cụ chỉnh hình sẽ hỏng hoặc tụt ra, kéo dài thời gian điều trị.
- Không nên chơi những môn thể thao có thể gây chấn thương vùng mặt hoặc răng như bóng đá, khúc côn cầu…
Nguồn : Nha Khoa Phương
Đăng nhận xét